Lượt xem: 571
Công tác quản lý dược & mỹ phẩm - một năm nhìn lại

Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác CSSKND của Đảng và Nhà nước, hệ thống nhân lực dược kể cả mạng lưới hành nghề dược trong toàn tỉnh tính đến nay có 3 thạc sĩ, 6 dược sĩ chuyên khoa I, 51 dược sĩ đại học, 450 dược sĩ trung học, 497 dược tá, 28 lương dược và 6 lương y. Mạng lưới phân phối thuốc có 407 cơ sở: 2 cơ sở sản xuất kinh doanh, 6 cơ sở bán buôn và 399 cơ sở bán lẻ, đã phủ thêm 2 xã trắng và tăng thêm 38 cơ sở so với năm 2008. Tính bình quân có 0,63 điểm bán lẻ thuốc/ 2000 dân trên địa bàn tỉnh. Về mỹ phẩm (MP), hiện tại tổng số cơ sở hành nghề MP có đăng ký trên địa bàn là 419 cơ sở.

Thực hiện mục tiêu chính sách quốc gia về thuốc, Sở Y tế đã triển khai, phổ biến kịp thời và đầy đủ các văn bản quản lý về dược và MP. Trong năm đã tập huấn 06 lớp, với 592 người tham dự bao gồm người phụ trách chuyên môn, người đứng bán thuốc, các dược sĩ trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp, phòng y tế và đại diện các trạm y tế xã, phường trong tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 11, 12/2007/QĐ-BYT và Chỉ thị 01/2008/CT-BYT của Bộ Y tế về việc thực hiện “GPP” và “GDP”, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn Nguyên tắc thực hành tốt nhà thuốc - GPP và thực hành tốt phân phối thuốc - GDP cho các nhà thuốc, quầy thuốc và các doanh nghiệp dược trong tỉnh. Tổ chức chuyến tham quan trao đổi, học tập kinh nghiệm các cơ sở đạt GPP tại thành phố HCM cho gần 40 cán bộ bệnh viện tỉnh, huyện và các doanh nghiệp. Kết quả thực hiện lộ trình “GPP” và “GDP” trong tỉnh đến nay có 7/13 nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện và 01 nhà thuốc tư nhân đạt chuẩn “GPP”, 6/8 doanh nghiệp đạt chuẩn “GDP”.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính, 14 cơ sở y tế công lập trong tỉnh tiến hành đấu thầu cung ứng thuốc, hoá chất, vật tư y tế năm 2010 theo luật định. Tổng giá trị trúng thầu giảm so với giá kế hoạch phê duyệt là: 44,1 tỉ, tiết kiệm được 25,8% kinh phí mua thuốc. Các đơn vị thực hiện tốt qui chế sử dụng thuốc, theo dõi và xử lý kịp thời các tình huống do tình hình biến động giá, tránh tình trạng thiếu thuốc cung ứng cho điều trị.
Tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh khá cao (75,5%), góp phần tiết kiệm cho người dân và BHYT. Tỉ lệ sử dụng kháng sinh tương đương mặt bằng chung của cả nước (33,2%), tuy nhiên theo đánh giá chung thì tỉ lệ này vẫn còn cao. Tỉ lệ sử dụng vitamin và corticoid tuyến xã còn cao so với tỉnh và huyện.
Với công tác thanh kiểm tra thì tổng số cơ sở được kiểm tra là 265, tỉ lệ 67%. Trong đó, số cơ sở vi phạm 77 (29,1%), xử phạt 5 cơ sở với tổng số tiền phạt: 9.100.000 đồng. Các hành vi vi phạm gồm: người đứng bán thuốc không mặc áo chuyên môn và đeo biển hiệu đúng qui định, sổ sách ghi chép chưa đầy đủ, kinh doanh thuốc hết hạn dùng,… Bên cạnh đó, Phòng Y tế cũng đã kiểm tra được 228 lượt cơ sở hành nghề dược.
Nhìn chung, nhân lực dược hàng năm có tăng nhưng mức độ phát triển còn chậm so với nhu cầu quy hoạch của Bộ Y tế, do địa phương chưa có chính sách thu hút dược sĩ về tỉnh. Hiện tại, số dược sĩ đại học và sau đại học trong tỉnh/10.000 dân là 0,44, trong khi nhu cầu quy hoạch của Bộ Y tế đến năm 2020 là 2 dược sĩ/10.000 dân (tương đương 215 dược sĩ). Đối với Phòng Y tế, cán bộ phụ trách dược hầu hết là dược sĩ trung học còn yếu về nghiệp vụ quản lý và chỉ đạo tuyến. Cán bộ phụ trách dược tại trạm y tế xã còn thiếu và thay đổi thường xuyên vì không được vào biên chế chính thức. Việc giám sát sử dụng thuốc và công tác thông tin thuốc ở một số bệnh viện chưa đi vào chiều sâu. Công tác kiểm tra giám sát hậu mãi đối với mỹ phẩm còn hạn chế, việc lấy mẫu MP chưa thực hiện được vì chưa có qui chế lấy mẫu. Chất lượng mỹ phẩm, việc nhận biết các sản phẩm MP có nguồn gốc, được phép lưu hành và hạn sử dụng MP đối với các cơ sở kinh doanh cũng như người tiêu dùng còn ít được quan tâm.
Trên cơ sở đó, công tác dược năm 2010 sẽ tập trung vào việc cung ứng đủ thuốc, có chất lượng cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân điều trị nội trú và bệnh nhân điều trị ngoại trú có thẻ BHYT; sử dụng thuốc hợp lí an toàn và hiệu quả trong hệ thống điều trị cũng như hành nghề dược; tăng cường tập huấn hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách dược, cập nhật kiến thức các văn bản pháp qui về dược, MP cho đối tượng hành nghề; phối hợp các bộ phận và cơ quan hữu quan tăng cường công tác thanh kiểm tra nhằm gúp các cơ sở đi vào hoạt động nề nếp hơn theo luật định.

Ths. Ds. Huỳnh Thị Mỹ Nga

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 72
  • Hôm nay: 382
  • Trong tuần: 2 997
  • Tất cả: 1030268
Cơ quan chủ quản: Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ: Số 6 đường Châu Văn Tiếp, P.2, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299.3822576, Fax: 0299.3825323, Email: soyte@soctrang.gov.vn 
Ghi rõ nguồn thông tin điện tử Sở Y Tế (soyte.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.